Bạn được và mất gì khi làm việc trong một startup?
Làm việc tại công ty lớn ổn định hay tại một startup đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Việc này tùy thuộc vào sự lựa chọn của bạn.
Làm việc trong một start-up (công ty khởi nghiệp) có gì khác với với một công ty đã lớn mạnh? Làm việc tại một startup, bạn sẽ không có một hồ sơ cá nhân lung linh với tên những công ty lớn, hoành tráng để gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng. Làm việc tại một startup, bạn sẽ không có cái để khoe mẽ với người thân, bạn bè rằng mình đang làm tại công ty lớn A, B, C hay tập đoàn nước ngoài X, Y, Z. Và lắm lúc bạn còn phải khá vất vả để giải thích với họ mình đang làm công ty gì.
Làm việc tại một startup, đôi khi bạn phải chấp nhận rủi ro cùng công ty: dự án dừng vô thời hạn, công sức những ngày qua đổ sông đổ biển, phải bắt đầu lại với những dự án hoàn toàn mới và lương bổng, đãi ngộ cũng không được như các công ty lớn.
Có muôn vàn những bất lợi khác nữa khi làm tại một startup, vậy tại sao bạn lại nên làm việc tại một startup?
1. Có cách nhìn và suy nghĩ khác
Làm việc tại một startup, thường bạn sẽ làm việc trực tiếp với các founder (nhà sáng lập), với những thành viên quan trọng trong công ty. Có thể bạn không phải là người đủ can đảm và đam mê để khởi nghiệp, và bạn cũng không có ý định khởi nghiệp, nhưng khi được làm việc trực tiếp với những con người khởi nghiệp bạn sẽ có cách nhìn và suy nghĩ rất khác. Những con người khởi nghiệp, họ luôn muốn tự chủ cuộc sống của mình, luôn muốn tạo một giá trị nào đó, để lại một cái gì đó và trên hết là vì tương lai của chính họ, gia đình và những người đi theo họ.
“Khởi nghiệp không chỉ là tìm một tương lai tốt hơn cho mình, mà còn là của những người đi theo mình và gia đình của họ.” – anh Hoàng Giang, CEO phukiengiare.vn chia sẻ
Làm việc với những người khởi nghiệp, bạn sẽ thấy có những lúc họ cũng như bao người bình thường khác, nhưng có những lúc bạn phải thật sự nể phục khi họ phải đối mặt với sức ép tâm lý đến từ rất nhiều phía, cách họ đứng dậy sau những vấp ngã và rồi vẫn kiên trì đi từng bước đến mục tiêu của mình. Những điều này cho bạn cái nhìn khác rất nhiều so với những gì bạn đọc về những người đã thành công trên Tivi, báo, đài…
2. Nhìn được bức tranh toàn cảnh và trở nên rất đa năng
Các công ty lớn thường được tổ chức rất rõ ràng và chặt chẽ. Từng bộ phận được phân chia nhiệm vụ cụ thể. Vì vậy, khi mới bắt đầu làm tại một công ty lớn, bạn được giao chuyên biệt một loại công việc hay loại dự án nhất định nào đó. Việc này sẽ giúp bạn tăng nhanh kiến thức và kĩ năng chuyên môn. Tuy nhiên, mặt trái là bạn sẽ bị giới hạn khả năng trong phạm vi chuyên môn của mình, ít được giao tiếp với các bộ phận khác và khó thấy được cách thức vận hành của toàn hệ thống.
Ngược lại, làm việc tai start-up, bạn sẽ được tiếp xúc được với nhiều bộ phận, nhiều mặt của công ty, bạn sẽ thấy được bức tranh toàn cảnh và hiểu được cách hệ thống vận hành. Các bộ phận trong công ty start-up cũng chưa được phân chia rõ ràng và chuyên biệt nên bạn phải làm rất nhiều loại công việc, dự án khác nhau. Vì vậy bạn sẽ trở nên cực kì đa năng, có khả năng làm đủ mọi việc.
“Ban đầu Hải chỉ muốn được học hỏi và làm việc trong lĩnh vực online marketing, nhưng sau một thời gian làm việc và có cơ hội được sức với rất nhiều công việc khác như tổ chức sự kiện, tự liên hệ với các nhà tài trợ, đối tác… Hải nhận ra mình có thể làm được rất nhiều thứ mà trước đây nghĩ mình không thể làm được”, theo chia sẻ của anh Trần Thanh Hải, hiện đang làm việc tại một startup về truyền thông.
3. Tự tin, chủ động hơn trong mọi việc
Các startup thường cũng chưa có các công cụ quản lý và một quy trình rõ ràng. Đây có thể là một bất lợi. Nhưng nhìn ở một góc độ khác, đây lại là một điều kiện tuyệt vời để bạn phát triển. Không có gì có sẵn cả, bạn phải tự thân vận động, bạn phải tự bơi, bạn phải tự kiếm công cụ, tự tạo quy trình làm việc (tất nhiên là với sự trợ giúp của sếp).
Việc này giúp bạn phát triển khả năng thích nghi trong nhiều môi trường khác nhau, với những công cụ và nguồn lực khác nhau. Nói một cách khác, dù quăng vô đâu bạn vẫn bơi được, cũng sống sót được.
4. Môi trường thân thiện và chấp nhận ý tưởng mới
Trong các startup đa số là những người trẻ cùng độ tuổi, không phân biệt cấp bậc nên tạo cho bạn cảm giác giống như một mái nhà. Vì vậy mà môi trường thoải mái và thân thiện hơn rất nhiều so với sự cạnh tranh trong các công ty lớn.
Các công ty càng lớn thì càng phải đảm bảo sự ổn định, càng khó chấp nhận những ý tưởng mới đầy rủi ro. Trong khi đó, các công ty startup lại rất khuyến khích nhân viên đóng góp ý kiến, tranh luận và thử nghiệm cái mới. Startup là một môi trường hiếm hoi chấp nhận để bạn thử cái mới, làm sai, rút kinh nghiệm và làm lại.
Lời kết:
Làm việc tại công ty lớn ổn định hay tại một startup đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Việc này tùy thuộc vào sự lựa chọn của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn là người trẻ, bạn muốn được học hỏi và trải nghiệm thì làm việc tại startup chắc chắn sẽ cho bạn những kinh nghiệm quý giá mà không dễ gì có được tại các công ty lớn. Đặc biệt, làm việc tại startup cưc kì có ích và quan trọng đối với những bạn sau này muốn tự mình khởi nghiệp.
Ngoài những giá trị trên, đi lên cùng với một công ty từ những ngày đầu khởi nghiệp cũng như nuôi một đứa bé từ lúc nó lọt lòng. Giá trị và cảm giác thành quả đem lại sẽ khác rất nhiều khi làm việc trong một công ty đã lớn sẵn. Bên cạnh sự lựa chọn, gắn bó lâu dài với một công ty còn là cái duyên nữa.
Leave a Reply