Thắc mắc: Sinh viên cần chuẩn bị gì khi thực tập?
Cần tìm hiểu trước mẫu báo cáo thực tập của truờng (yêu cầu) để khi đi thực tập không bị động. (Khi viết báo cáo nên tham khảo các báo cáo
Khó khăn nhất của sinh viên thực tập là tìm được cơ quan cho thực tập đúng chuyên ngành và vấn đề thứ hai là thường phải chịu sự nhàm chán, bị coi như người thừa tại cơ quan đang thực tập. Vì vậy, sinh viên cần chuẩn bị những gì khi đi thực tập để có được kết quả thuận lợi hơn?
Vấn đề là chọn nơi thực tập phù hợp để có cơ hội thể hiện năng lực của mình.
Với những sinh viên đã từng đi làm hay có nhiều mối quan hệ thì chuyện tìm một nơi thực tập khá dễ dàng. Nhưng với những người chưa kinh nghiệm thì việc kiếm cho mình một chỗ thực tập cũng khó như đi tìm việc làm, chỉ mong sao có được một chỗ để thực tập cho dù không phù hợp.
– Các sinh viên năng động thường tự tìm các công ty thực tập cho mình nhờ thường xuyên tiếp cận các công ty trong những ngày hội việc làm, nhờ các mối quan hệ hoặc sớm tìm qua các thông tin trên mạng. Ngoài ra, họ chủ động mở rộng phạm vi tìm nơi thực tập ở các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu… (nếu ở tp. HCM chẳng hạn). Hay có những sinh viên tận dụng mối quen biết ở quê nhà để về quê thực tập. Như vậy, sẽ dễ tìm nơi thực tập hơn, những người hướng dẫn cũng tận tình hơn và xác suất được giữ lại công ty để làm việc chính thức cũng cao hơn.
– Khi bạn đã lập được danh sách các công ty có chương trình thực tập và hiện đang có nhu cầu, bạn nên nộp đơn cho tất cả các công ty đó. (Ở mỗi công ty đòi hỏi những thủ tục khác nhau). Sau đó, hãy cố gắng liên lạc với người có trách nhiệm liên quan để xác nhận việc nhận bộ hồ sơ và thăm dò ý kiến của họ về vấn đề xin thực tập này. Điều chính yếu là tìm hiểu cho mình công ty phù hợp với tiêu chuẩn của bản thân. (Một số ít các bạn may mắn được doanh nghiệp tận tình hướng dẫn và chỉ bảo). Và cũng lưu ý: Một số các công ty lớn có kế hoạch thực tập thường kỳ dành cho sinh viên, ở đó bạn sẽ được trợ cấp học bổng (thực tập có lương).
Tất cả các sinh viên đều có cơ hội, quan trọng là sự cố gắng và nỗ lực của mỗi người. Không nên có thái độ hời hợt, dựa dẫm hay coi đây là một dịp nghỉ ngơi. Nhiều sinh viên dựa vào các công ty là cơ quan “người nhà”, coi việc đi thực tập là dịp để rong chơi thoải mái. Đến công ty với thái độ vênh váo, vào thực tập thì với tư tưởng “sĩ quan” khiến rất nhiều công nhân lẫn người hướng dẫn không hài lòng và hậu quả là sinh viên đó cũng chẳng học được điều gì về kinh nghiệm thực tế.
Nên chuẩn bị những gì?
Nhiều sinh viên than phiền rằng công việc thực tập của họ thật quá nhàm chán, thường là “bưng trà, rót nước” hoặc bị sai vặt. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu chọn lựa kỹ lưỡng, bạn có thể tìm được các công ty có chương trình thực tập tốt hơn. Và để không phải là người thừa, để được tiếp cận với công việc, trước khi đi thực tập bạn nên tìm hiểu thêm kiến thức ngành nghề liên quan để thích nghi với kế hoạch thực tập và đơn vị mình đến thực tập như:
– Thời gian thực tập cụ thể từ bắt đầu đến lúc kết thúc.
– Trách nhiệm, bổn phận hàng ngày của bạn (khi thực tập) sẽ là gì?
– Công việc đối với cơ cấu tổ chức của công ty như thế nào? (Nơi và bộ phận mà bạn muốn thực tập)
– Điều gì là ưu tiên chính của công việc, mối quan hệ với các phòng ban khác ra sao?
– Cần tìm hiểu trước mẫu báo cáo thực tập của truờng (yêu cầu) để khi đi thực tập không bị động. (Khi viết báo cáo nên tham khảo các báo cáo trước để rút kinh nghiệm và nên viết về các điểm mạnh của nơi mình thực tập).
– Nên tạo mối quan hệ tốt với nơi thực tập bởi khi viết luận văn cũng cần một lần nữa làm việc với đơn vị để xin số liệu và chứng nhận cho báo cáo thực tập
– Bạn cũng cần tìm hiểu thêm như: Công ty có tài trợ cho sinh viên thực tập không? Nếu công ty trả lương cho sinh viên thực tập, bạn sẽ làm công việc gì?
Để việc thực tập mang lại hiệu quả cao, bạn cần phải có một sự chuẩn bị tốt không những kiến thức mà còn ở tâm lý vì có kết quả hay không là do tính thích nghi của mỗi người. Những sinh viên kiên nhẫn, cởi mở và hòa đồng với nhân viên công ty thì sẽ sớm có được số liệu, sớm được hướng dẫn. Điều chính yếu là chỉ cần chịu khó, hăng hái và làm tốt phần việc được giao. Nên có ý thức học hỏi và nhanh nhạy, chú tâm trong công việc, đặc biệt là phải trung thực, chân thành.
Nhiều sinh viên sau khi thực tập xong được tuyển dụng ở đó làm việc luôn (một số các công ty vẫn tuyển nhân viên theo kiểu như thế này). Đây là cách tốt nhất thay cho việc đi nộp hồ sơ tìm việc làm. Vì thế, bạn hãy tận dụng cơ hội, nhiệt tình với công việc và chú tâm học hỏi. Nên có tinh thần, thái độ tích cực như đang thử việc để được làm nhân viên chính thức.
Chúc các bạn nhiều tự tin và may mắn!
Leave a Reply